Ông Bùi Phương Đình – Viện trưởng Viện Xã hội học và Phát triển, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh

Lời giới thiệu: Đại dịch COVID-19 là cú sốc lớn, tác động nhiều mặt đối với đời sống kinh tế – xã hội mọi quốc gia trên thế giới. Sau những thành công trong ứng phó với bốn đợt bùng phát dịch bệnh, Việt Nam đã chuyển sang thực hiện thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh. Sự chuyển hướng đó đòi hỏi phải làm tốt cả việc phục hồi, phát triển kinh tế – xã hội và sẵn sàng ứng phó có hiệu quả với dịch bệnh tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường. Để đạt được mục tiêu, nhiệm vụ thích ứng an toàn, linh hoạt, hiệu quả, cần khơi thông, sử dụng có hiệu quả các nguồn lực, động lực có thể bị cản trở bởi các nút thắt thể chế, có thể bị ngưng trệ do chính hậu quả dịch COVID-19.

Đề án Quốc gia “Từ chính sách ra cuộc sống” bao gồm nhiều hoạt động sự kiện, đối thoại, nghiên cứu khảo sát chiến lược chính sách, kiến nghị chính sách và chuỗi chương trình đối thoại độc quyền với các chính trị gia, chuyên gia, doanh nhân nổi bật. Trong khuôn khổ nội dung này, Chuyên gia Nguyễn Thy Nga, Chủ nhiệm Đề án trao đổi với ông Bùi Phương Đình, Viện trưởng Viện Xã hội học và Phát triển, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh.

Ông Bùi Phương Đình: Trước tiên về địa điểm rất là đẹp rồi đúng không? Không những là cái tỉnh đẹp, tỉnh còn năng động phát triển. Vị trí mà chúng ta ngồi đây bao quát được toàn bộ vịnh Hạ Long, nó cũng thể hiện ra một cái tầm nhìn, mong muốn của tỉnh Quảng Ninh, không chỉ là trong tiến trình phát triển chung, mà còn trong những giai đoạn khó khăn chung của đất nước và của tỉnh, mong muốn rằng khi chúng ta xử lý những khó khăn đấy cũng phải với một tầm nhìn. Cho nên tôi nghĩ là về mặt địa điểm và thời gian chọn tổ chức hội thảo rất hay. Thứ hai, chúng ta cũng biết trong hai năm trở lại đây thì cả đất nước và tỉnh Quảng Ninh đang phải đối diện song hành một lúc cái gọi là nan đề, một là ta phải phòng chống, phòng ngừa, giảm thiểu tác hại của đại dịch COVID-19. Và có lẽ cũng là một điều mừng, đến bây giờ đại dịch cũng đã đi qua đỉnh và dần xuống dưới rồi. Những hệ quả nghiêm trọng về mặt y tế của đại dịch có lẽ cũng đã dần qua. Một trong những điều chúng ta cũng biết là đến bây giờ Bộ Y tế đã có chủ trương không công bố số ca nhiễm bệnh mà chỉ tập trung vào những ca chuyển nặng và những ca tử vong. Chính những giai đoạn như thế, câu chuyện phục hồi và tăng trưởng kinh tế vốn được đặt ra từ nghị quyết 128 của Chính phủ vào 10/2021 càng trở nên cấp thiết và nóng bỏng hơn rất nhiều. Và khi chúng ta đặt ra song đề về phòng chống bệnh dịch và phục hồi tăng trưởng kinh tế thì môi trường thế giới đang biến động rất khủng khiếp. Đồng thời những câu chuyện như xung đột vũ trang Nga – Ukraina hay câu chuyện rất nhiều nước trên thế giới bây giờ cũng dần thoát ra khỏi đại dịch, để bước vào giai đoạn mở cửa và phục hồi nên kinh tế.

Do đó, tạo ra những sự cạnh tranh rất mạnh mẽ giữa các quốc gia với nhau trong lĩnh vực du lịch, xuất nhập khẩu, sản xuất, và kinh doanh. Hội thảo này được tổ chức do Hội đồng Lý luận Trung ương cùng Tạp chí Cộng sản và tỉnh Quảng Ninh tôi nghĩ là một cơ hội cực kỳ tốt khi ở đây, nhìn qua thành phần chúng ta thấy có trước tiên là các nhà lãnh đạo cao cấp của Trung ương cũng như của các tỉnh, thứ hai là có rất nhiều nhà nghiên cứu đến từ các trường, viện, bộ ngành khác nhau, đưa ra những cách nhìn nhận khác nhau về quá trình phục hồi kinh tế đứng từ góc độ của kinh tế, từ góc độ của xã hội như tôi là bên Viện Xã hội học và Phát triển, và đứng từ góc độ môi trường. Thứ ba, một thành phần không thể thiếu được, đó là đại diện của doanh nghiệp, đại diện của một số tập đoàn cũng như là bên Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam VCCI. Như vậy, sự phục hồi kinh tế trở thành cái cấp nhu cầu cấp thiết của đất nước, của tỉnh, và trở thành trách nhiệm, nghĩa vụ của các chủ thể ở đất nước, từ người làm lãnh đạo, quản lý sang các nhà trí thức, nghiên cứu và đồng thời là doanh nghiệp. Chúng tôi thấy rằng trong một môi trường, một bầu không khí rất cởi mở như thế, thì các nội dung ngày hôm nay được thảo luận và chúng ta nhìn thấy trong kỉ yếu đấy, nó đề cập đến cả những cái cách thức xử lý ứng phó còn lại với đại dịch. Tiếp theo là tập trung vào câu hỏi rất quan trọng, huy động nguồn lực và tạo động lực như thế nào cho sự phát triển? Rõ ràng trong bối cảnh hiện nay, chúng ta không thể tư duy một cách bình thường, những nguồn lực tự nhiên bình thường mà chúng ta phải đưa vào đấy những cách thức khơi dậy những động lực để chuyển hóa những nguồn lực tự nhiên đấy trở thành những động lực mang tính tập trung để bứt phá kinh tế ở trong giai đoạn tới. Một điểm nữa rất hay là cái quan niệm về động lực mà hôm nay trên hội thảo chia sẻ, tôi thấy sự chuyển dịch về tư duy rất nhiều, từ những chỗ mà chúng ta mặc nhiên coi như nguồn lực là động thực thì sang đến chỗ chúng ta phải nhìn nhận yếu tố về thể chế, một điều rất quan trọng cần được thảo luận và cái thứ hai là về văn hóa, cái thứ ba nữa là khát vọng vươn lên của một dân tộc, khát vọng vươn lên của một địa bàn, nó sẽ trở thành động lực giúp cho sự phát triển. Và chúng tôi cũng hoàn toàn tin tưởng rằng hội thảo này chỉ là một trong số các series hội thảo thôi để các nhà lãnh đạo quản lý sẽ ghi nhận được rất nhiều những chia sẻ ý kiến hay, thú vị, hữu ích và sẽ chuyển hóa nó thành những quyết định về lãnh đạo quản lý, phục vụ cho quá trình phục hồi và tăng trưởng kinh tế của tỉnh.

Ông Bùi Phương Đình - Viện trưởng Viện Xã hội học và Phát triển, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh

Từ Chính sách ra Cuộc sống: Vậy ông có đánh giá như thế nào về những giải pháp, những phương hướng mà tỉnh Quảng Ninh đang áp dụng trong việc phục hồi kinh tế – xã hội?

Ông Bùi Phương Đình: Như tôi đã nói, Quảng Ninh có thể nói là một vùng khá quen thuộc đối với cả những người làm nghiên cứu như chúng tôi, trong đó 10 năm trở lại đây, khi chúng tôi có những đợt làm việc với Quảng Ninh thì tôi đã quan sát được hai điểm rất quan trọng, một là lãnh đạo và người dân tỉnh Quảng Ninh rất sáng tạo, chịu khó suy nghĩ, tìm tòi các cơ hội, tìm tòi các cách thức để hiện thực hóa các cơ hội mới. Nếu như ở doanh nghiệp, người ta tìm tòi thị trường, sáng tạo ra những sản phẩm mới phục vụ cho sự tiêu dùng, thì các cấp lãnh đạo lại tìm tòi những cách cải cách thể chế. Ví dụ ở đây đã từng là nơi thành lập ra Trung tâm hành chính công đầu tiên, phục vụ hành chính công đầu tiên của cả nước. Đầu tiên là thành lập ở cấp huyện, sau đó thành lập ở cấp tỉnh, sau đó là rất nhiều tỉnh và thành phố đến học tập mô hình trung tâm hành chính công này. Thứ hai nữa, tỉnh Quảng Ninh đã chứng kiến được một giai đoạn chuyển đổi rất mạnh từ tăng trưởng dựa vào khai thác nguồn lực tự nhiên là than khoáng sản, gọi tắt là tăng trưởng nâu, chuyển sang tăng trưởng dựa trên khai thác giá trị thiên nhiên và du lịch, cộng với phát triển khoa học và công nghệ gọi là tăng trưởng xanh. Quảng Ninh nổi tiếng với câu “chuyển đổi từ nâu sang xanh”, có nghĩa rằng những thử nghiệm đấy thường trực.

Điểm thứ hai là sáng tạo rồi phải như thế nào? Thì phải có một ý chí quyết liệt, làm việc khẩn trương, tạo ra được sự đồng lòng đồng thuận từ lãnh đạo đến doanh nghiệp và nhân dân. Và tựu chung lại tôi gọi là lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh có khả năng đưa ra phản ứng chính sách và điều chỉnh chiến lược phát triển tương đối tốt. Ví dụ là khoảng đầu giữa những năm, giữa nhiệm kỳ trước, khi phát hiện du lịch đã đạt đến những giới hạn phát triển nhất định, bởi vì chúng ta cũng hiểu rằng khi phát triển du lịch một cách đi xa nữa thì nó bắt đầu nảy sinh xung đột với yêu cầu về bảo tồn môi trường, bảo tồn cảnh quan thiên nhiên, thì tỉnh Quảng Ninh cũng đã có những chuyển dịch hướng, đưa mũi nhọn là phát triển về công nghệ chế biến chế tạo và thu hút đầu tư vào các ngành công nghiệp chế tạo. Và như vậy, vùng ngay cạnh Hạ Long là Quảng Yên, vốn chỉ là vùng đất rất không tập trung cho nông nghiệp, sau khi có cây cầu Bạch Đằng nối giữa Quảng Yên, Quảng Ninh và Hải Phòng, ngay lập tức đưa Quảng Yên trở thành khu vực thu hút đầu tư cho công nghiệp chế biến chế tạo, tập trung ngay cho ngành công nghiệp chế biến chế tạo có hàm lượng giá trị gia tăng cao. Như vậy, cái sự chuyển dịch, phản ứng về mặt chính sách, đồng thời chuyển dịch định hướng ấy là sáng tạo nhưng mà phải suy nghĩ một cách quyết liệt, hành động một cách quyết liệt, suy nghĩ một cách thấu đáo, hành động cách thấu đáo, tạo ra sự đồng thuận. Và khi cả chính quyền, người dân và doanh nghiệp cùng đồng thuận thì những hoạt động tiếp về sau sẽ thuận lợi rất nhiều, ví dụ như cấp phép đầu tư, thu gọn ngay thủ tục hành chính để làm sao vẫn đảm bảo về mặt hiệu lực về mặt pháp luật, nhưng mà đảm bảo sự nhanh chóng giải quyết cho nhà đầu tư. Bên cạnh đó phải đưa ra những cơ chế mới, sáng tạo trong việc đền bù giải tỏa đất đai cho người dân. Và không chỉ là chuyện đền bù đất đai, mà còn có thể đưa họ vào chính làm việc ở các nhà máy. Và sự đền bù đấy không chỉ bằng tiền mà còn bằng khả năng tái đào tạo về tay nghề, để cho những người nông dân ở khu vực đấy có thể tham gia vào lao động. Có nghĩa là trong tiến trình đó, doanh nghiệp được lợi, nhưng người dân ở tại chỗ đấy cũng được hưởng lợi, như thế nó phản ánh được đúng quan điểm phát triển của Đảng và Nhà nước ta hiện nay về tăng trưởng bao trùm, và trong quá trình tăng trưởng đấy, có những thành tích phát triển thì không một ai bị loại trừ khỏi việc thụ hưởng.

Xét từ góc độ này, chúng tôi thấy là về mặt cải cách thể chế, ra quyết định, tổ chức thực hiện, về mặt tạo ra được, nắm bắt được những cơ hội để tăng trưởng và bứt phá của Quảng Ninh rất đáng trân trọng, là một kinh nghiệm rất tốt để có thể chia sẻ cho những địa bàn khác.

Từ Chính sách ra Cuộc sống: Từ góc độ chuyên môn và kinh nghiệm của mình, ông có sự chia sẻ thêm về các địa phương nói chung và Quảng Ninh nói riêng phục hồi kinh tế và phát triển trở lại sau đại dịch COVID-19?

Ông Bùi Phương Đình: Có lẽ từ góc độ làm về xã hội học, tôi sẽ quan tâm nhiều hơn đến những khía cạnh xã hội của quá trình tăng trưởng. Và để cụ thể hóa ra như thế này, đây cũng là một bài học mà khi chúng tôi làm báo cáo thì đã nghiên cứu những kinh nghiệm và tổng hợp lại. Chính trong những lúc khó khăn như thế này thì câu chuyện an dân, an sinh xã hội lại đặt lên hàng đầu. Đối với chính quyền địa phương thì bây giờ việc hỗ trợ cho những người dễ bị tổn thương, những người bị mất mát về tài sản, về việc làm trong đại dịch vừa qua và đưa họ vào hỗ trợ về mặt cấp bảo trợ xã hội, hai là tái đào tạo nghề cho họ, ba là giới thiệu việc làm cho họ là một việc cực kỳ quan trọng. Bởi vì khi họ an dân, tức là họ được công ăn việc làm, thì rõ ràng chúng ta sẽ có những cơ hội để thu hút đầu tư một cách tốt hơn. Đấy là điểm thứ nhất. Cho nên đầu tiên vẫn phải là an sinh xã hội.

Điểm thứ hai, đối với tất cả các địa bàn hiện nay, tất cả các khu công nghiệp trên cả nước đều thiếu hụt lao động khủng khiếp, mà không có lao động thì nhà máy sẽ phải dừng sản xuất. Tất nhiên có những nguyên nhân liên quan đến phòng chống dịch, ví dụ như F1 không được đi làm, thì bây giờ sẽ gỡ dần về mặt cơ chế. Nhưng có một nguyên nhân cực kỳ quan trọng, là trong giai đoạn đại dịch vừa qua, có xảy ra một hiện tượng rất khác biệt, đấy là lao động di cư, hồi hương từ các tỉnh Đông Nam Bộ trở về các tỉnh Nam Bộ, về Tây Nguyên hoặc về phía Bắc. Như vậy, rõ ràng là dòng dịch chuyển dân cư lao động vốn một thời gian người ta suy nghĩ từ Bắc vào Nam, từ nông thôn ra đô thị, thì trong giai đoạn 6 tháng vừa rồi, nó quay ngược trở lại. Rất nhiều tỉnh nhìn thấy đấy là một cơ hội, bởi vì trong những người lao động hồi hương như thế thì rất nhiều người đã có tay nghề sẵn rồi. Nên nếu như ở tỉnh đã có chuẩn bị liên quan đến khu công nghiệp, đến thu hút đầu tư, thì họ có sẵn một lực lượng lao động để họ thu hút vào. Thứ nhất là họ không bị mất đào tạo, thứ hai là khi những người lao động này ở tại chỗ, làm việc tại các khu công nghiệp, khu kinh tế trên địa bàn tỉnh, tức là họ đóng góp ngay vào sự phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh.

Và cái thứ ba nữa cũng rất hay là trong rất nhiều năm chúng ta có đề cập đến chuyện chuyển dịch lao động từ nông nghiệp sang công nghiệp. Nhưng chúng ta đặt ra yêu cầu là ly nông nhưng không ly hương, tức là thoát ly khỏi ngành nghề nông nghiệp, chuyển sang ngành nghề có thu nhập cao hơn, giá trị gia tăng cao hơn, nhưng mà ở đâu? Nhiều năm, những người này phải đi tìm kiếm việc làm ở đô thị hoặc vào Nam. Thế thì bây giờ, khi họ quay lại, chính quyền tỉnh đã chộp lấy cơ hội đó, giữ chân họ lại để có được lao động cho địa phương, giúp cho họ cũng thỏa mãn được mong muốn là ở gần gia đình, đóng góp vào quá trình phát triển kinh tế – xã hội địa phương, và đồng thời cũng thực hiện giảm tải cho các đô thị lớn. Và thực hiện được cách làm, tiếp cận của chúng ta trong nhiều năm nay, ly nông bất ly hương, và đô thị hóa tại chỗ.

Đấy là những vấn đề, những khía cạnh xã hội và câu chuyện phục hồi kinh tế rất quan trọng mà tôi muốn chia sẻ với các tỉnh và Quảng Ninh. Đương nhiên, thực hiện các gói về hỗ trợ phục hồi kinh tế 350.000 tỷ, hay tiếp tục thu hút đầu tư, hoặc là đánh giá lại vị trí kinh tế, địa vị kinh tế của mình để xem lựa chọn những ngành nghề nào có giá trị gia tăng cao, không để lại những hệ quả môi trường, đấy là những điều mà các tỉnh vẫn thường xuyên làm, thì tôi xin phép không có ý kiến thêm về những việc đó.

Từ Chính sách ra Cuộc sống: Xin chân thành cảm ơn ông!

Đại dịch COVID-19 là cú sốc lớn, tác động nhiều mặt đối với đời sống kinh tế – xã hội mọi quốc gia trên thế giới. Sau những thành công trong ứng phó với bốn đợt bùng phát dịch bệnh, Việt Nam đã chuyển sang thực hiện thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh. Sự chuyển hướng đó đòi hỏi phải làm tốt cả việc phục hồi, phát triển kinh tế – xã hội và sẵn sàng ứng phó có hiệu quả với dịch bệnh tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường. Để đạt được mục tiêu, nhiệm vụ thích ứng an toàn, linh hoạt, hiệu quả, cần khơi thông, sử dụng có hiệu quả các nguồn lực, động lực có thể bị cản trở bởi các nút thắt thể chế, có thể bị ngưng trệ do chính hậu quả dịch COVID-19.
Cuộc trao đổi chuyên sâu trong chuỗi “Chương trình đối thoại chính sách” của Chuyên gia Nguyễn Thy Nga – chủ nhiệm Đề án Từ Chính sách ra Cuộc sống và Bộ Biên tập Tạp chí Cộng sản phói hợp Văn phòng Chính phủ, Hội đồng lý luận Trung ương về Nguồn lực và động lực cho phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội trong bối cảnh đại dịch COVID-19.

CÁC NỘI DUNG CÙNG CHUỖI ĐỐI THOẠI!

NGUYỄN THY NGA

Chủ trì đề án “Từ Chính sách ra cuộc sống”. Chủ nhiệm nhiệm vụ phát triển thị trường cho doanh nghiệp theo Quyết định 844 của Thủ tướng. Chủ trì truyền thông cho hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Quốc gia đến năm 2025.

Bản quyền thuộc về © tuchinhsachracuocsong.vn