Đại dịch COVID-19 là cú sốc lớn, tác động nhiều mặt đối với đời sống kinh tế – xã hội mọi quốc gia trên thế giới. Sau những thành công trong ứng phó với bốn đợt bùng phát dịch bệnh, Việt Nam đã chuyển sang thực hiện thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh. Sự chuyển hướng đó đòi hỏi phải làm tốt cả việc phục hồi, phát triển kinh tế – xã hội và sẵn sàng ứng phó có hiệu quả với dịch bệnh tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường. Để đạt được mục tiêu, nhiệm vụ thích ứng an toàn, linh hoạt, hiệu quả, cần khơi thông, sử dụng có hiệu quả các nguồn lực, động lực có thể bị cản trở bởi các nút thắt thể chế, có thể bị ngưng trệ do chính hậu quả dịch COVID-19.
Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ về thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19 và tiếp tục thúc đẩy các hoạt động du lịch nội địa và quốc tế gắn với bảo đảm an toàn, ngành du lịch đã chuẩn bị từ sớm, từ xa các giải pháp chuyển trạng thái dần thích ứng với bối cảnh bình thường mới, thực hiện “mục tiêu kép” vừa phòng, chống dịch bệnh vừa phục hồi vừa phát triển kinh tế – xã hội.
Trong cuộc đối thoại này, Chuyên gia Nguyễn Thy Nga, Chủ nhiệm Đề án Từ Chính sách ra Cuộc sống trao đổi với ông Nguyễn Trùng Khánh, Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch về chủ đề PHỤC HỒI NGÀNH DU LỊCH TRONG ĐIỀU KIỆN THÍCH ỨNG AN TOÀN, LINH HOẠT, KIỂM SOÁT HIỆU QUẢ DỊCH COVID-19.
Cuộc trao đổi chuyên sâu trong chuỗi “Chương trình đối thoại chính sách” của Đề án Từ Chính sách ra Cuộc sống phối hợp Tạp Chí Cộng sản, Hội động lý luận Trung ương, Văn phòng Chính phủ, và Tỉnh ủy Quảng Ninh về Nguồn lực và động lực cho phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội trong bối cảnh đại dịch COVID-19.
Chuyên gia Nguyễn Thy Nga: Trong bối cảnh đại dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, với chỉ đạo của Chính phủ về thực hiện “mục tiêu kép” vừa phòng, chống dịch COVID – 19, vừa tập trung phát triển kinh tế – xã hội, ngành du lịch có giải pháp trọng tâm nào để “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID – 19”:
Ông Nguyễn Trùng Khánh: Ngành du lịch ưu tiên hàng đầu trong việc bảo đảm các điều kiện an toàn điểm đến du lịch, an toàn cho khách du lịch. Tổng cục Du lịch Xây dựng hệ thống đăng ký và đánh giá an toàn COVID-19 áp dụng đối với khu điểm du lịch, các doanh nghiệp kinh doanh lữ hành, cơ sở lưu trú, hướng dẫn viên, đơn vị kinh doanh dịch vụ du lịch tại địa chỉ https://safe.tourism.com.vn. Giới thiệu rộng rãi và khuyến khích khách du lịch sử dụng ứng dụng “Du lịch Việt Nam an toàn” để tra cứu thông tin du lịch an toàn, khai báo y tế, đánh giá điểm đến.
Bên cạnh đó phát động du lịch nội địa thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19 và triển khai đồng loạt trên cả nước với chủ đề “Du lịch an toàn – Trải nghiệm trọn vẹn” được triển khai với 2 mục tiêu cơ bản là: phục hồi du lịch theo lộ trình từ thị trường nội tỉnh, nội vùng đến nội địa, góp phần từng bước phục hồi ngành du lịch thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID – 19, đáp ứng nhu cầu tham quan, du lịch, nghỉ dưỡng của người dân; giới thiệu quảng bá điểm đến, sản phẩm, trải nghiệm du lịch đa dạng, hấp dẫn, bảo đảm an toàn phòng, chống dịch, khôi phục niềm tin của thị trường về du lịch nội địa an toàn. Chương trình tập trung vào 2 hoạt động trọng tâm gồm: Hướng dẫn đón và phục vụ khách du lịch an toàn (đối với các sở quản lý du lịch, các đơn vị kinh doanh du lịch và khách du lịch, khách sử dụng dịch vụ du lịch) và tổ chức truyền thông, quảng bá, xúc tiến mở lại du lịch nội địa. Tổng cục Du lịch tổ chức các hoạt động kết nối các điểm đến, hiệp hội du lịch, doanh nghiệp và hàng không xây dựng các chương trình du lịch trọn gói, có chất lượng, ưu đãi nhằm kích cầu du lịch. Các địa phương tạo điều kiện, có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp như miễn, giảm phí/lệ phí tham quan tại các điểm đến do địa phương quản lý .
Chuyên gia Nguyễn Thy Nga: Huy động nguồn lực và động lực để thúc đẩy ngành du lịch đã được triển khai thông qua các hoạt động nào?
Ông Nguyễn Trùng Khánh: Chúng tôi triển khai chiến dịch truyền thông tái khởi động du lịch nội địa “Du lịch an toàn, hấp dẫn”. Phối hợp tổ chức các sự kiện phát động, kích cầu thị trường, hội chợ du lịch, hội thảo giới thiệu điểm đến, kết nối doanh nghiệp kết hợp linh hoạt giữa hình thức trực tiếp và trực tuyến, các chương trình khảo sát điểm đến, sản phẩm.
Lập quy hoạch hệ thống du lịch Việt Nam giai đoạn 2021 – 2030, tầm nhìn 2045. Phát triển các sản phẩm du lịch mới, làm mới các sản phẩm du lịch hiện có phù hợp với nhu cầu đã thay đổi do tác động của COVID-19; phát triển các loại hình, hoạt động kinh tế đêm, góp phần tăng chi tiêu, nâng cao hiệu quả hoạt động du lịch. Các địa phương xác định đầu tư, phát triển sản phẩm du lịch theo chủ đề, trên cơ sở thế mạnh, tiềm năng sẵn có, mang tính khác biệt, tạo thành mạng lưới các sản phẩm đa dạng, bổ trợ cho nhau.
Chuyên gia Nguyễn Thy Nga: Trong bối cảnh của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 và áp lực của COVID – 19, chuyển đổi số được xem như là phương thức bắt buộc để thích ứng và phục hồi. Trong ngành du lịch, chuyển đổi số đã được triển khai như thế nào?
Ông Nguyễn Trùng Khánh: Trong quá trình chuyển đổi số Du lịch, chúng tôi xây dựng Kế hoạch phát triển du lịch số giai đoạn 2021 – 2025. Ứng dụng công nghệ thông tin, thực hiện số hóa các thông tin dữ liệu phục vụ quản lý các cơ sở lưu trú, các hãng lữ hành, hướng dẫn viên, điểm đến, các cơ sở dịch vụ du lịch; cơ sở dữ liệu phục vụ nghiên cứu thị trường, xúc tiến, quảng bá du lịch. Xây dựng nền tảng kết nối hỗ trợ kinh doanh du lịch, dần hình thành sàn kinh doanh điện tử đối với các dịch vụ du lịch quốc gia.
Chuyên gia Nguyễn Thy Nga: Trong bối cảnh các địa phương cùng với cả nước đang triển khai Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế xã hội của Chính phủ, theo chủ trương của Hội nghị Trung ương 4 khoá XIII, Kết luận số 24-KL/TW của Bộ Chính trị, Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội và Nghị quyết số 128/NQ-CP của Chính phủ để góp phần đưa nền kinh tế sớm vượt qua khó khăn, không lỡ nhịp với tiến trình phục hồi kinh tế toàn cầu, đồng thời tạo nền tảng và điều kiện thuận lợi cho phát triển kinh tế – xã hội trong giai đoạn 2022 – 2025 và các năm tiếp theo. Tỉnh Quảng Ninh, một địa phương phát triển năng động và có nhiều mô hình đổi mới sáng tạo, vừa phối hợp với các cơ quan của Đảng tổ chức Hội thảo có chủ đề: “Nguồn lực và động lực cho phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội trong điều kiện thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh COVID – 19 – Tầm nhìn quốc gia và hành động địa phương”. Ông đánh giá thế nào về hội thảo và về Quảng Ninh từ góc độ ngành?
Ông Nguyễn Trùng Khánh: Có thể nói rằng hội thảo cấp quốc gia do Hội đồng Lý luận Trung ương, phối hợp cùng tạp chí Cộng sản và tỉnh ủy Quảng Ninh tổ chức là một sự kiện có ý nghĩa hết sức quan trọng và rất là đúng vào thời điểm hiện nay, khi cả nước chúng ta đang thực hiện triển khai Quyết liệt và có hiệu quả Nghị quyết số 43 của Quốc Hội Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế xã hội cũng như là Nghị quyết số 11 của Chính phủ về ban hành Và triển khai nghị quyết số 43 của Quốc hội vừa qua.
Chúng tôi cũng đánh giá rằng trong thời gian vừa qua, Quảng Ninh đã trở thành một trung tâm du lịch mới của cả nước, và trước thời điểm dịch COVID – 19 thì lượng khách du lịch quốc tế cũng như nội địa đến với Quảng Ninh đã tăng trưởng rất cao.
Quảng Ninh cũng đã kêu gọi thu hút được đầu tư cơ sở hạ tầng vật chất kĩ thuật cho ngành du lịch phải nói là rất đồng bộ hiện đại, và có rất nhiều nhà đầu tư lớn cả trong nước cũng như nước ngoài đến đầu tư ở đây, làm thay đổi diện mạo ngành du lịch của địa phương cũng như nâng cao chất lượng phục vụ đối với khách, từ đó khẳng định được thương hiệu của du lịch Quảng Ninh đối với khách du lịch.
Trong bối cảnh đại dịch COVID – 19 và sau mỗi lần đại dịch COVID – 19 được kiểm soát tốt thì tỉnh Quảng Ninh cũng là một trong những địa phương đã rất chủ động ban hành những cơ chế chính sách để hỗ trợ tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp và người lao động trong ngành quay trở lại làm việc cũng như ban hành những cơ chế chính sách để kích cầu thu hút khách du lịch các địa phương đến với Quảng Ninh.
Ngay sau khi Việt Nam chính thức mở cửa hoạt động du lịch quốc tế ngày 15/3/2022 vừa qua thì chưa đầy một tuần tỉnh Quảng Ninh cũng đã chủ trì phối hợp cùng với Bộ Văn hóa – Thể thao – Du lịch và các tập đoàn kinh tế lớn ví dụ như hãng hàng không quốc gia Việt Nam Vietnam Airlines, rồi các tập đoàn Sun group cũng như một số tập đoàn truyền thông đã tổ chức ngay một hội nghị hưởng ứng việc mở cửa lại toàn du lịch Việt Nam trong điều kiện bình thường mới, trong đó cũng đã đề xuất những giải pháp thiết thực để góp phần khôi phục lại hoạt động du lịch của Việt Nam cũng như thông qua đó thông qua đó khôi phục lại hoạt động du lịch của tỉnh Quảng Ninh.
Chúng tôi cho rằng với những sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, và việc ban hành những chính sách thuận lợi cho du lịch phát triển thì sẽ góp phần cho du lịch Quảng Ninh trong thời gian tới sẽ nhanh chóng được phục hồi và lấy lại đà tăng trưởng trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của địa phương, đóng góp vào sự phục hồi chung của Việt Nam trong thời gian tới.
Chuyên gia Nguyễn Thy Nga: Cảm ơn ông! Chúc ngành Du lịch sớm là ngành mũi nhọn cùng Kinh tế Việt Nam phục hồi và phát triển.
Trong bối cảnh hiện tại vừa là thách thức đồng thời cũng là cơ hội đẩy mạnh nguồn lực và động lực cho phục hồi và phát triển kinh tế xã hội, ổn định đời sống Nhân dân, bảo đảm an sinh xã hội, trật tự an toàn xã hội trong điều kiện thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19, bộ Biên tập Tạp Chí Cộng Sản, Văn phòng Chính phủ, Hội đồng Lý luận Trung Ương, Tỉnh ủy Quảng Ninh, Đề án Từ Chính Sách ra Cuộc Sống, Công ty Cổ phần Truyền thông Thiên Lộc thực hiện chuỗi hoạt động hội thảo khoa học Quốc gia và các chương trình bên lề với nội dung “Nguồn lực và động lực cho phục hồi và phát triển kinh tế xã hội trong điều kiện thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19”.
Đề án Từ Chính sách ra Cuộc sống được thiết kế và triển khai với quy mô Quốc gia, với sự phối hợp nội dung hoạt động từ Chính phủ, Quốc hội, Ban Bộ ngành. Đề án xuyên suốt nhiều hoạt động như: hội thảo khoa học, nghiên cứu khảo sát, diễn đàn cấp cao, đối thoại chính sách, tọa đàm đánh giá tác động chính sách, ý kiến của mạng lưới chuyên gia trong nước quốc tế, doanh nghiệp, người dân… với các chiến lược lớn của Quốc gia và thông qua các hoạt động đó góp phần đưa chính sách vĩ mô đến gần hơn với cuộc sống.
Chủ trì đề án “Từ Chính sách ra cuộc sống”. Chủ nhiệm nhiệm vụ phát triển thị trường cho doanh nghiệp theo Quyết định 844 của Thủ tướng. Chủ trì truyền thông cho hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Quốc gia đến năm 2025.
Bản quyền thuộc về © tuchinhsachracuocsong.vn