Chuyên gia Nguyễn Thy Nga và Giáo sư, Tiến sĩ khoa học Vũ Minh Giang đối thoại chính sách Nguồn lực và động lực cho phát triển Kinh tế xã hội của Việt Nam
Lời giới thiệu: Đại dịch COVID-19 là cú sốc lớn, tác động nhiều mặt đối với đời sống kinh tế – xã hội mọi quốc gia trên thế giới. Sau những thành công trong ứng phó với bốn đợt bùng phát dịch bệnh, Việt Nam đã chuyển sang thực hiện thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh. Sự chuyển hướng đó đòi hỏi phải làm tốt cả việc phục hồi, phát triển kinh tế – xã hội và sẵn sàng ứng phó có hiệu quả với dịch bệnh tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường. Để đạt được mục tiêu, nhiệm vụ thích ứng an toàn, linh hoạt, hiệu quả, cần khơi thông, sử dụng có hiệu quả các nguồn lực, động lực có thể bị cản trở bởi các nút thắt thể chế, có thể bị ngưng trệ do chính hậu quả dịch COVID-19.
Đề án Quốc gia “Từ chính sách ra cuộc sống” bao gồm nhiều hoạt động sự kiện, đối thoại, nghiên cứu khảo sát chiến lược chính sách, kiến nghị chính sách và chuỗi chương trình đối thoại độc quyền với các chính trị gia, chuyên gia, doanh nhân nổi bật. Trong khuôn khổ nội dung này, Chuyên gia Nguyễn Thy Nga, Chủ nhiệm Đề án trao đổi với GS. TSKH. Vũ Minh Giang, Chủ tịch Hội đồng Khoa học và Đào tạo Đại học Quốc gia Hà Nội.
Chuyên gia Nguyễn Thy Nga: Theo đánh giá của ông, nguồn lực và động lực cho thúc đẩy phục hồi phát triển kinh tế của Việt Nam trong giai đoạn này cần chú trọng vào những điểm gì?
TSKH. Vũ Minh Giang: Trước khi nói vào một cách cụ thể giai đoạn này thì ta nên có một ánh nhìn, là người Việt Nam mình, trong toàn bộ tiến trình lịch sử, dường như có một điểm rất lạ, đấy là sau khi vượt qua một thử thách hiểm nghèo, ta lại có một bước phát triển vượt bậc. Chẳng hạn, một nghìn năm Bắc thuộc trôi qua, chúng ta có thời hoàng kim của văn minh Đại Việt. Sau cuộc kháng chiến chống Minh ở thế kỷ XV là một thời đại hoàng kim mà nổi tiếng là hoàng đế Lê Thánh Tông đã biết coi nhân tài là nguyên khí của quốc gia. Sau thời kỳ khủng hoảng phi mã với lạm phát trên 700%, chúng ta có thời kỳ đổi mới huy hoàng, như là những thành tựu chúng ta đang trông thấy. Và gần đây là COVID – 19, chúng ta đã từng bước chế ngự đại dịch, cái đem lại nỗi kinh hoàng cho toàn thế giới. Chúng ta đang dần bước vào thời kỳ bình thường mới. Bây giờ, chúng ta rõ ràng đứng trước một thử thách có tính quy luật là đã vượt qua, hay là đang vượt qua một thử thách hiểm nghèo, đó là đại dịch. Vậy chúng ta bước vào giai đoạn mới này như thế nào?
Trước hết, chúng ta đang sống trong một thời đại hội nhập quốc tế rất sâu, cho nên chúng ta không thể đứng ngoài. Như Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung Ương đã nói trong bài trình bày tham luận, chúng ta không thể tiến hành hay làm gì đó một mình được trong thời đại ngày nay, nhưng cũng phải nhớ rằng, khi thời đại toàn cầu hay thời đại hội nhập sâu này, có 3 nguyên tắc mà chúng ta không thể không tuân thủ. Một, mình không thể tính chuyện thắng cho riêng mình. Win-win là nguyên tắc thứ nhất. Hai, mình không thể tính chuyện mình được, họ thua, hay nói cách khác là mình không chịu chia sẻ gì, đó là nguyên tắc sharing. Ba, phải đánh đổi (trade off). Nên việc hội nhập sâu cũng đồng nghĩa với việc phải thừa nhận luật chơi của thế giới. Tuy nhiên thực tế là, nếu như mình đi theo thì mình đánh mất lợi thế của người đi sau. Mình đi sau rất nhiều nước, mà mình chỉ tăng tốc theo kiểu đi sau, thì có đi nhanh mấy cũng vẫn đi sau người ta. Do đó, phải biết lợi thế của người đi sau để có cách đi của mình. Cho nên, độc lập và làm theo cách của mình nhưng đồng thời biết người ta làm gì, làm thế nào để thành công là cách đi của mình.
Thứ ba, thực tế là sự phát triển của Việt Nam về kinh tế xã hội trong thời gian qua có rất nhiều điểm sáng, nhưng cũng có những cái phải giải quyết càng sớm càng tốt. Một là kinh tế đang phát triển theo hướng quảng canh, rất nhiều khu công nghiệp mọc lên, như vậy thì giá trị gia tăng thấp. Ví dụ, những hãng, công ty mà sản phẩm có thể có thương hiệu rất lớn thì ta chỉ trích được một phần rất nhỏ trong lao động giản đơn ở trong đó thôi. Mà sau khi doanh nghiệp đó chấm dứt, không làm nữa thì công nhân chúng ta cũng không lành nghề, làm trong một dây chuyền sản xuất, chỉ làm việc rất đơn giản, không có nghề. Thứ hai là dân trí ở khu công nghiệp cũng không thể cao được. Thế thì đấy là cách mà tôi gọi là phát triển kinh tế theo hướng quảng canh.
Bên cạnh đó, chúng ta đã có một cái rất quan trọng là Hội nghị Văn hóa toàn quốc. Toàn Đảng, toàn dân đã nhận thấy rằng có một tài nguyên rất lớn phù hợp với tăng trưởng xanh, đó là khai thác các di sản văn hóa như một tài nguyên, tuy nhiên, chúng ta chưa chú ý đúng mức. Chúng ta nói như vậy, nhưng vẫn đang say sưa và dành nhiều tâm sức cho phát triển nóng, chưa chú ý đến phát triển, khai thác trí tuệ, khai thác sức mạnh số, và đặc biệt là khai thác các tài nguyên văn hóa, cái đó là chúng ta đang phải cố gắng.
Ngoài ra, chúng ta đã có một chủ trương lớn ở Đại hội XIII là khơi dậy khát vọng của toàn dân. Đấy là động lực. Chúng ta nói nhiều đến động lực hữu hình, nhưng có một động lực là tất cả những người lãnh đạo cho đến người dân có khát vọng vươn tới, thì cái đó là rất lớn.
Quay trở vào một điều cụ thể hơn, chúng ta đang đứng trước một thử thách lớn, thì tôi thấy rõ ràng chúng ta đang có những cơ hội rất lớn, và hội thảo này chính là việc chúng ta rà soát lại.
Chuyên gia Nguyễn Thy Nga: Ông có đánh giá chung thế nào về Quảng Ninh và cực Bắc tăng trưởng?
TSKH. Vũ Minh Giang: Hiện nay rất nhiều địa phương nhìn vào Quảng Ninh, nhìn vào tam giác tăng trưởng ở vùng Đông Bắc. Rõ ràng, khi tôi nói tới động lực và nguồn lực, thì dường như Quảng Ninh có đủ cả hai. Ở đây, chúng ta có thiên nhiên, tài nguyên vô giá được thế giới vinh danh và công nhận, chúng ta có một di sản phi vật thể của rất nhiều những di tích, những di sản văn hóa. Quảng Ninh đang từng bước chuyển từ tăng trưởng nâu sang tăng trưởng xanh, và tôi cho rằng đây là một, không chỉ là tấm gương, mà giống như đầu tàu để cho rất nhiều người hướng theo và đi theo. Do đó, tôi cho rằng lần tổ chức hội thảo này tại Quảng Ninh là có nghĩa kép, đây không chỉ là một nơi thiên nhiên xinh đẹp, văn hóa phong phú, con người mến khách, mà cũng như một gợi ý đây chính là nơi có thể học hỏi được rất nhiều. Lãnh đạo địa phương khác tham gia hội thảo này rất đông, tôi nghĩ họ sẽ có dịp để chiêm nghiệm, để nhìn thấy.
Trong thời gian vừa qua, Quảng Ninh phát triển bứt phá, giống như kỳ vọng, là sau mỗi khó khăn, chúng ta có một bước phát triển mạnh mẽ, có tính chất đột phá như thế. Đây là một cơ hội rất lớn để chúng ta khai thác tất cả những tài nguyên, làm sao để chúng ta có được cái như là mong muốn. Nhưng có một điều đó là khai thác tài nguyên văn hóa không dễ. Tài nguyên văn hóa này đòi hỏi sự quyết tâm của nhà quản lý, tức là những người lãnh đạo phải hiểu giá trị đó, phải có những điều kiện, phải tạo những điều kiện thuận lợi cho những người, những bộ phận thực thi nhiệm vụ đó. Thứ hai là phải làm sao đó để cuốn hút trí tuệ, đấy là các nhà khoa học, để người ta xây dựng các căn cứ, cơ sở cho sự phát triển. Và thứ ba là phải có nguồn lực tài chính, tức là nhà đầu tư. Dường như, với cách làm của Quảng Ninh hiện nay, thì ba nhà đó đang rất gắn bó với nhau, nhưng cái mong muốn hôm nay thì hội thảo cũng nói tới việc hoàn thiện thể chế để làm sao sự gắn kết này nó không còn là việc đi tìm nhau, thuyết phục nhau, thí dụ như là lãnh đạo ở tỉnh nào đó rất năng động đi tìm các nhà khoa học, đi tìm các nhà đầu tư rồi thuyết phục họ hoặc ngược lại. Thì nó phải có cơ chế để tạo ra một sản phẩm phục vụ cho tăng trưởng. Thế thì, phải có sự gắn kết chặt chẽ của ba nhà đó. Bài học của Quảng Ninh là rất sáng giá cho cả nước.
Chuyên gia Nguyễn Thy Nga: Vậy theo Giáo sư, cực tăng trưởng của miền Trung và miền Nam là ở đâu?
TSKH. Vũ Minh Giang: Trong sự kiện khai mạc Năm du lịch quốc gia ở Hội An, Thủ Tướng cũng đánh giá rằng miền Trung chứa đựng những nguồn tài nguyên vô giá và vô tận về văn hóa và về tiềm lực con người. Và tôi nghĩ rằng với một bài học sáng giá như vùng Đông Bắc này, thì vùng Quảng Nam cũng có những di sản thế giới sẽ hội nhập vào để tạo thành một chuỗi phát triển. Còn Nam Bộ thì như chúng ta đã biết, trước đây, chủ yếu tập trung phát triển các lĩnh vực kinh tế liên quan tới công nghiệp, nhất là công nghiệp nhẹ. Nhưng gần đây, lãnh đạo các tỉnh phía Nam cũng chú ý tới khai thác các nguồn lực văn hóa và nguồn lực con người. Tôi cho rằng ba cực miền Bắc, miền Trung, miền Nam sau này, trên cơ sở chúng ta có nhận thức đầy đủ, và có sự liên kết chặt chẽ thì sự phát triển sẽ ở tầm quốc gia.
Chuyên gia Nguyễn Thy Nga: Xin chân thành cảm ơn ông! Hy xọng rằng trong tương lai chúng ta sẽ có thêm nhiều cuộc đối thoại ý nghĩa.
Đại dịch COVID-19 là cú sốc lớn, tác động nhiều mặt đối với đời sống kinh tế – xã hội mọi quốc gia trên thế giới. Sau những thành công trong ứng phó với bốn đợt bùng phát dịch bệnh, Việt Nam đã chuyển sang thực hiện thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh. Sự chuyển hướng đó đòi hỏi phải làm tốt cả việc phục hồi, phát triển kinh tế – xã hội và sẵn sàng ứng phó có hiệu quả với dịch bệnh tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường. Để đạt được mục tiêu, nhiệm vụ thích ứng an toàn, linh hoạt, hiệu quả, cần khơi thông, sử dụng có hiệu quả các nguồn lực, động lực có thể bị cản trở bởi các nút thắt thể chế, có thể bị ngưng trệ do chính hậu quả dịch COVID-19.
Cuộc trao đổi chuyên sâu trong chuỗi “Chương trình đối thoại chính sách” của Chuyên gia Nguyễn Thy Nga – chủ nhiệm Đề án Từ Chính sách ra Cuộc sống và Bộ Biên tập Tạp chí Cộng sản phói hợp Văn phòng Chính phủ, Hội đồng lý luận Trung ương về Nguồn lực và động lực cho phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội trong bối cảnh đại dịch COVID-19.
CÁC NỘI DUNG CÙNG CHUỖI ĐỐI THOẠI!
Chủ trì đề án “Từ Chính sách ra cuộc sống”. Chủ nhiệm nhiệm vụ phát triển thị trường cho doanh nghiệp theo Quyết định 844 của Thủ tướng. Chủ trì truyền thông cho hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Quốc gia đến năm 2025.
Bản quyền thuộc về © tuchinhsachracuocsong.vn