Toạ đàm đối thoại chính sách "Quản lý và Phát triển thị trường quyền sử dụng đất tại Việt Nam"

Sáng ngày 09/7/2021, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân phối hợp với Tổng cục Quản lý Đất đai – Bộ Tài nguyên và Môi trường đã tổ chức Tọa đàm đối thoại chính sách: “Quản lý và phát triển thị trường quyền sử dụng đất tại Việt Nam” theo hình thức trực tiếp và trực tuyến.

Quang cảnh tại buổi Toạ đàm đối thoại chính sách
Quang cảnh tại buổi Tọa đàm

Buổi Tọa đàm đã diễn ra thành công tốt đẹp với sự tham gia của khoảng 60 đại biểu đến từ các cơ quan trung ương, các Viện nghiên cứu, trường Đại học như: Ban Kinh tế Trung ương, Hội đồng Lý luận Trung ương, UBKT của Quốc hội, Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia, Bộ Tài nguyên & Môi trường, Bộ Xây dựng, Bộ Kế hoạch & Đầu tư, Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn, Bộ tài chính, Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương, Viện Chiến lược, Chính sách Tài nguyên và Môi trường, Học viện Nông nghiệp Việt Nam, Đại học Luật Hà Nội, các nhà khoa học, các hiệp hội (HoREA, VNREA)…; các phóng viên báo chí, truyền hình.

Đặc biệt, Tọa đàm đối thoại chính sách còn có sự tham gia của các đại biểu: GS.TS. Hoàng Văn Cường – Đại biểu Quốc hội khóa XV, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế Quốc dân; GS.TS. Đặng Hùng Võ – Chuyên gia độc lập, nguyên Thứ trưởng Bộ TN&MT; ông Lê Thanh Khuyến – Tổng Cục trưởng, Tổng cục Quản lý đất đai – Bộ TN&MT; ông Lê Hoàng Châu – Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP.HCM (HoREA); ông Nguyễn Văn Đính – Tổng thư ký Hiệp hội Môi giới BĐS Việt Nam; TS. Hoàng Kim Huyền – Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia; đại diện nhóm nghiên cứu Khoa BĐS và KTTN – Trường Đại học Kinh tế Quốc dân và Viện Nghiên cứu quản lý đất đai – Tổng Cục quản lý đất đai, Bộ Tài nguyên Môi trường,…

GS.TS. Hoàng Văn Cường - Phó Hiệu trưởng nhà trường phát biểu đề dẫn tại Tọa đàm
GS.TS. Hoàng Văn Cường – Đại biểu Quốc hội khóa XV, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế Quốc dân phát biểu đề dẫn tại Tọa đàm

Phát biểu đề dẫn tại tọa đàm, GS.TS. Hoàng Văn Cường cho biết, kể từ khi thị trường quyền sử dụng đất ở nước ta chính thức được “khai sinh” năm 1993 cùng với sự ra đời của Luật Đất đai 1993, các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, đặc biệt là về đất đai, đã không ngừng được bổ sung, hoàn thiện để tạo điều kiện cho thị trường quyền sử dụng đất và các tài sản trên đất phát triển, góp phần thúc đẩy sự phát triển nền kinh tế đất nước. Tuy nhiên, theo PGS.TS. Hoàng Văn Cường, thị trường quyền sử dụng đất ở nước ta vẫn còn nhiều hạn chế như: Tình trạng mất cân đối cung cầu về đất đai trên các thị trường bộ phận, bất cập cơ chế giá đất thị trường, quá trình chuyển dịch đất đai chưa đảm bảo hài hòa lợi ích của các bên, dẫn đến nhiều vụ tranh chấp, khiếu kiện…

Trong bối cảnh đó, để góp phần giải quyết những vấn đề trên và chuẩn bị tổng kết thực hiện Nghị quyết số 19-NQ/TW, tổng kết thi hành, sửa đổi Luật Đất đai 2013, cuộc tọa đàm được tổ chức nhằm cung cấp góc nhìn đa chiều về thực tiễn thị trường đất đai tại Việt Nam, từ đó đề xuất các định hướng đổi mới chính sách, pháp luật nhằm thúc đẩy phát triển thị trường đất đai và tài sản trên đất giai đoạn tới – GS. Hoàng Văn Cường nhấn mạnh. 

Các đại biểu thảo luận và đóng góp ý kiến tại Tọa đàm

Các vấn đề thảo luận của buổi Tọa đàm xoay quanh các nội dung chính sau:

–  Các kết quả triển khai thực hiện quyền sử dụng đất và phát triển thị trường quyền sử dụng đất tại Việt Nam theo Nghị quyết số 19-NQ/TW;

–  Các quy định về quyền hạn trách nhiệm của các tổ chức cá nhân tham gia thị trường quyền sử dụng đất;

–  Các công cụ điều tiết thị trường quyền sử dụng đất trong nền kinh tế thị trường tại Việt Nam;

–  Định hướng cơ chế, chính sách pháp luật thúc đẩy phát triển các loại hình thị trường đất đai và tài sản trên đất;

–  Một số kiến nghị đề xuất giải pháp thúc đẩy thị trường đất đai và tài sản trên đất tại Việt Nam trong thời gian tới.

Các đại biểu tham dự Tọa đàm cùng chụp ảnh lưu niệm
Các đại biểu tham dự Tọa đàm cùng chụp ảnh lưu niệm

Các chuyên gia tại tọa đàm nhận xét, thị trường bất động sản Việt Nam có các đặc trưng riêng. Đó là không thừa nhận quyền sở hữu đất, chỉ thừa nhận quyền sử dụng đất. Đây là nguyên nhân căn bản dẫn đến sự chênh lệch quá lớn về giá bất động sản theo mục đích sử dụng. Việc chuyển đổi mục đích sử dụng quyết định bởi các cơ quan quản lý có thẩm quyền sẽ dẫn tới các khoảng cách chênh lệch rất lớn về giá. Do sự phức tạp của quyền sử dụng đất nên quản lý bất động sản còn lúng túng, nhiều bất cập, cơ chế giá không phản ánh đúng cung – cầu của thị trường dẫn đến tồn tại nhiều loại giá trong quản lý bất động sản ở nhiều cấp, ngành khi tính toán phí, thuế liên quan. Đây cũng là lỗ hổng cho tham nhũng chính sách đất đai phát triển. 

ĐỌC THÊM CÁC BÀI VIẾT

Bản quyền thuộc về © tuchinhsachracuocsong.vn